- Bước 1: Đọc kĩ đề để xác định yêu cầu của đề, mỗi câu hỏi thi cần xác định thời gian, không gian và trọng tâm. Nếu chúng ta bỏ qua khâu này thì rất dễ bị lạc đề, lấy ví dụ câu hỏi sau: Tại sao nói phong trào Đồng Khởi chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công?, với câu hỏi này cần xác định: thời gian là năm 1960; Không gian là phạm vi ở miền Nam; Trọng tâm là phần kết quả và ý nghĩa của phong trào Đồng Khởi.
- Bước 2: Viết đề cương sơ lược. Nhiều học sinh thường bỏ qua bước này và cho rằng nó không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một bước rất quan trọng. Đề cương, dàn ý sơ lược sẽ giúp học sinh triển khai bài rành mạch, không sợ bỏ sót, thiếu ý khi làm bài thi. Thực tế chấm bài, tôi thấy rất nhiều của các em có đủ các yêu cầu của thang điểm nhưng vẫn không đạt điểm cao vì bài các ý chính quá tóm tắt và lộn xộn.
-Bước 3: Cần phân phối thời gian làm bài cho hợp lí: lấy thời gian làm bài chia cho thang điểm là 10, qua đó tập trung thời gian hợp lí cho từng câu hỏi. Ví dụ thời gian làm bài là 90 phút, lấy 70 phút chia cho thang điểm 10 (dành 20 phút để viết đề cương sơ lược và đọc lại bài sau khi làm xong), như vậy mỗi điểm tương ứng với 7 phút.
- Bước 4: Đối với loại câu hỏi trình bày sự kiện (như thế nào?), chúng ta phải trình bày theo thứ tự: hoàn cảnh, chủ trương, diễn biễn, kết quả, ý nghĩa sự kiện. Đối với câu hỏi nâng cao: (Tại sao như vậy?) chúng ta nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc bộ môn: trình bày tóm tắt sự kiện trước khi giải thích tại sao, một bài viết như vậy thì mới đủ hai phần: biết và hiểu lịch sử.
Một điều học sinh cần nhớ là khi làm bài thi Sử cũng cần triển khai như một bài Văn phải . Tức là có phần mở bài, thân bài và kết bài. Phần mở bài thường gắn với hoàn cảnh của sự kiện cần phân tích. Thân bài cần phải thể hiện được những yêu cầu mà đề bài ra. Kết bài sẽ là phần kết quả, ý nghĩa, hậu quả hoặc hệ quả.