Giấc mơ có thật
Người đàn bà mập mạp, quê mùa vốn vài năm trước vẫn còn bị ruồng bỏ trong tâm trí của mọi người, giờ như mọc thêm đôi cánh và bay. Chẳng ai tin nổi giọng ca ngọt ngào, dịu dàng như mây và thổn thức như tiếng vọng của tâm linh lại được cất lên từ đôi môi vẫn chưa từng được hôn ai bao giờ!
Tờ Guardian cho rằng Susan Boyle là người đã dạy cho con người một bài học, rằng đừng ngừng mơ ước và trong thế giới khi mà con người vẫn còn là linh hồn thì mọi thứ đều có thể xảy ra. “Cuộc đời chẳng thể nào khai tử những giấc mơ tôi hằng mơ”, tờ Times chơi chữ từ bài hát I dreamed a dream, chẳng ai giết được giấc mơ của Susan và giờ cô đã thành ngôi sao sáng, nhờ Britain’s got talent, nhờ cả một công nghệ giải trí biết trân trọng những tài năng.
Các hãng đĩa tiếp tục cạnh tranh mời Susan về làm album, các hãng quảng cáo thay nhau xin chữ ký của cô để tô vẽ cho thương hiệu “bền lâu” của họ. Susan được hát cho Giáo hoàng, được nhận cái bắt tay của những nhân vật danh tiếng, quyền lực…
Một xuất phát hai kết cục không giống nhau
Hai chữ “tài năng” ở thời đại nào cũng quý hiếm và được trân trọng. Nhưng trường hợp của Susan Boyle thật sự hiếm hoi. Susan không được đào tạo bài bản, những gì cô thể hiện hoàn toàn độc lập, tự mày mò và âm thầm thể hiện cho riêng mình. Nếu không có chương trình tìm kiếm tài năng như Britain’s Got Talent thì có lẽ cả đời Susan chỉ độc ca và tự ru mình bằng những hy vọng.
Những câu truyện tưởng chừng như cổ tích vẫn thường xuất hiện ở làng giải trí phương Tây. Một cậu bé lên 5 tuổi bỗng bị bệnh rồi mù lòa, vài năm sau cha chết, được một thời gian ngắn ngủi rồi mẹ cũng qua đời, gia cảnh khốn khó, cậu làm đủ thứ nghề để kiếm sống, chui vào những quán bar nực nội kiếm được 4 USD mỗi đêm để trả tiền nhà…
Và rồi có một ngày người ta ghi danh cậu là thiên tài, là di sản của nước Mỹ, là một thứ âm nhạc còn sáng hơn cả những người sáng mắt. Đó là Ray Charles, người điển hình cho những tấm gương từ nghèo hèn vượt lên rực sáng, ngắn gọn trong một slogan “American dream”.
Nước Mỹ, hay Anh hoặc những nước phương Tây luôn có cả một công nghệ để tìm kiếm tài năng. Ngoài những lò đào tạo chính quy, ngoài những gia đình có đủ lực cho con theo học ngành nhạc và được đào tạo cơ bản thì luôn có những tài năng lay lất ngoài xã hội, trong những quán bar, đường phố, trong trại trẻ mồ côi…
Nền âm nhạc phổ thông Mỹ, Anh hay Pháp hiện tại, nếu thống kê lại sẽ thấy không thiếu những tài năng trưởng thành từ lò đào tạo đường phố, được phát hiện sớm và trân trọng đối đãi tử tế. Các ông bầu được tỏa đi kiếm tìm, các cuộc thi hát được tổ chức mọi nơi, không phải để lấy danh mà là tìm tài năng thực sự, các chương trình ca nhạc trên truyền hình, các diễn đàn âm nhạc, thi sáng tác theo chủ đề, thi nhạc phổ thơ… Đó là một guồng quay chỉn chu đến mức tưởng chừng khó có thể để sót tài năng nào. Vậy mà vẫn sót Susan Boyle.
Nếu Susan Boyle là người Việt Nam…
Việt Nam chưa có Vietnam’s got talent, chưa có chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc thực sự. Vậy thì cách khả dĩ nhất cô có thể góp mặt lên truyền hình là tham gia chương trình Vietnam Idol hoặc Sao mai Điểm hẹn, nhưng không ai dám chắc với thân hình ấy cô sẽ lọt vào vòng 12 người. Với một chương trình mà sự quyết định thuộc về tin nhắn và giới trẻ chiếm đa số ai dám chắc rằng Susan Boyle sẽ làm được câu chuyện cổ tích ở Việt Nam?
Câu chuyện tìm kiếm tài năng ở Việt Nam hiện nay dường như là một lỗ hổng quá lớn. Các ông bầu, các công ty âm nhạc dường như ít quan tâm đến những tài-năng-kém-ngoại-hình. Những gì được thấy trên T.V, băng đĩa hầu như đều chú trọng đến sự gợi mở của dáng vóc và sắc đẹp, giọng hát từa tựa nhau, đèm đẹp, đến nỗi có quyền nghi ngờ rằng giới trẻ Việt chỉ có thể thưởng thức âm nhạc phổ thông đến mức cam chịu.
Họ “cam chịu” theo nghĩa đã bị thôi miên suốt một thời gian dài và mất đi một chức năng quan trọng trong thưởng thức: Cảm thụ. Sẽ thế nào nếu một ngày có một chàng trai xấu xí ôm đàn guitar lên T.V biểu diễn, một cô gái kém duyên cầm micro hát những bài hát về cuộc đời bất hạnh của mình? Sẽ rất khó được chấp nhận nếu thính giả không tự mở lòng mình và tôn trọng những giá trị của giọng hát.
Vietnam Idol mùa đầu tiên đã từng gợi mở một cái tên Ngọc Ánh. Ánh được xem là một giọng ca tốt nhất của Vietnam Idol, xuất thân từ vùng quê nghèo khó, gia đình không dư giả, nụ cười hiền lành, chất phác, cậu trở thành niềm tự hào của sinh viên nghèo. Vietnam Idol năm ấy ai cũng nghĩ “chàng lúa ra tỉnh” sẽ trở thành một câu chuyện cổ tích mới. Nhưng mùa đầu tiên đã kết thúc hơn 3 năm, Ánh vẫn là cái tên khá xa lạ, lâu lâu thấy tên anh xuất hiện trong một vài chương trình nhỏ lẻ, câu chuyện cổ tích vẫn không thấy lấp ló.
Điều đó cho thấy ở Việt Nam những câu chuyện cổ tích trong nghệ thuật rất khó có cơ hội chen chân trong một quỹ đạo được vạch đường bay bởi sự đặc thù cố hữu. Người nghe thì muôn hình vạn trạng, phân khúc âm nhạc lộn xộn, những chương trình âm nhạc truyền hình thì không chuyên, đĩa lậu tràn lan, các công ty băng đĩa không nắm hết thị trường, bảng tổng sắp âm nhạc chưa có, các cuộc thi âm nhạc đa phần không chất lượng… Một sản phẩm đầu vào như Ngọc Ánh, nếu có guồng quay chuyên nghiệp và biết trân trọng thì chắc chắn những câu chuyện cổ tích sẽ có cơ hội xuất hiện và làng nhạc Việt sẽ có rất nhiều cơ hội đổi khác.
Nghĩ về Susan Boyle và hãy đón xem Vietnam Idol cùng Sao mai Điểm hẹn sắp chính thức vào mùa. Có những tin đồn không hay lắm xung quanh hai chương trình này. Làng văn nghệ Việt không thiếu tin đồn và đa phần chẳng tin được.
Nhưng những gì đang diễn ra đã vẽ lên một hình ảnh mọi thứ đang đi vào sự nhàm chán đến mức không còn nhận ra được. Sự khác biệt ấy không hoàn toàn nằm trong túi tiền mà từ tầm nhìn vĩ mô. Biết trân trọng người tài, xây đường bay ổn định cho ngôi sao thì chắc chắn một ngày nào đó Susan Boyle cũng sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Ai là người hưởng lợi nhất?.
Những cuộc thi âm nhạc = Hội nghị khách hàng
Điều quan trọng nhất của mọi cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc ngày nay, không phải là có bao nhiêu tài năng được phát hiện, mà là sau các cuộc thi nhà sản xuất lời hay lỗ, nhà tài trợ được gì. Từ Britain’s got talent hay American Idol, Vietnam Idol đều không nằm ngoài mục đích này.
Nhưng vấn đề ở chỗ, mặt bằng âm nhạc ở những nơi khai sinh ra các cuộc thi ấy và những nơi mua lại format thông qua các nhãn hàng tài trợ, khác nhau một trời một vực. Khi American Idol đã qua mùa thứ 9 nhưng nguồn tài năng vẫn dồi dào thì Vietnam Idol mới có mùa thứ 2 đã ”cạn vốn” về tài năng ca hát. Thế mới thấy cụm từ “thế giới phẳng” không thể đúng trong mọi lĩnh vực.
Những Susan Boyle, David Archuleta, Danny Gokey… không thể so với Phương Vy, Hà Anh Tuấn, Tùng Dương, Phạm Anh Khoa… vì mặt bằng âm nhạc giữa các quốc gia quá chênh lệch. Công bằng mà nói, Sao mai Điểm hẹn đã tạo ra được một thế hệ tương đối có cá tính về âm nhạc: Tùng Dương, Phạm Anh Khoa, Hà Anh Tuấn. Và sân chơi này mặc dù format cây nhà lá vườn lại không bị sức ép nhà tài trợ.
Cần nhiều hơn nữa những Indie Artist
Trong thời buổi mà nền công nghệ tạo dựng các ngôi sao phát triển quá hoàn hảo, nguyên tắc và thực dụng, các sao được tạo ra không thể tránh khỏi đặc tính của sinh sản vô tính: âm nhạc thì na ná nhau, vũ điệu như cái máy, chiêu thức đánh bóng thiên về phần nhìn, thì vai trò của những Nghệ sĩ Độc lập (Indie Artist) lại quan trọng hơn bao giờ hết. Họ không bị đúc khuôn, không bị gò ép trong ý tưởng, cảm xúc bay bổng… Những yếu tố đó sẽ chinh phục trái tim người nghe.
Còn những cuộc thi tìm kiếm tài năng kia, nó vẫn vận hành theo quy tắc và tiêu chí của nó. Những ai thực sự tài năng sẽ biết con đường của mình không chỉ là những cuộc thi mà cần một con đường tự khám phá bản thân.